I. Phì đại tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, nằm trong bộ phận sinh dục của nam giới. Khi mới sinh, tuyến tiền liệt chỉ nhỏ bằng hạt đậu nhưng sẽ đạt tới kích cỡ ổn định khi trưởng thành. Ở người trưởng thành, tuyến tiền liệt có đường kính khoảng 2cm, trọng lượng 10 – 20g, có nhiệm vụ tiết chất nhầy làm trung hòa môi trường axit của tinh dịch và giúp vận chuyển tinh dịch.
Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị gia tăng kích thước bất thường, gây khó chịu cho bệnh nhân ở khu vực bàng quang, đường tiểu. Khi bị phì đại, trọng lượng của tuyến tiền liệt có thể tăng lên gấp 5 lần, lên tới 100g.
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì thế, người bệnh không nên chủ quan.
II. Nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt
Hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây ra phì đại tuyến tiền liệt nhưng theo nhiều nghiên cứu thì lão hóa và bất thường về tinh hoàn là tác nhân gây ra phì đại tuyến tiền liệt nhiều nhất.
-
Lão hóa: Trong suốt cuộc đời, người đàn ông sản xuất cả hormone nam testosterone và một lượng nhỏ hormone nữ estrogen. Khi tuổi ngày càng cao, hoạt động nội tiết tố thay đổi bất thường: suy giảm testosterone và tăng estrogen – tác nhân gây ra tình trạng phì đại tuyến tiền liệt. Ngoài ra, nam giới lớn tuổi cũng có hàm lượng dihydrotestosterone (DHT) cao hơn, trong khi nồng độ testosterone trong máu giảm. Điều này có thể thúc đẩy các tế bào tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển, làm tăng nguy cơ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
-
Bất thường về tinh hoàn: Yếu tố di truyền hoặc bất thường về tinh hoàn đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Nếu trong gia đình có bố hoặc anh/em ruột mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn so với những người khác.
Bên cạnh 2 tác nhân chính trên thì chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống thiếu vận động cũng góp phần vào sự phát triển của phì đại tuyến tiền liệt. Chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ và chế phẩm từ sữa, thiếu chất xơ, thiếu chất béo tốt và lối sống ít vận động, thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá hoặc thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
III. Triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt
Tùy theo mức độ của bệnh, nam giới mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt sẽ có các triệu chứng khác nhau. Chẳng hạn như:
-
Tiểu khó: Bệnh nhân có cảm giác khó đi tiểu ngay mà phải chờ một lúc thì mới đi tiểu được. Khi tiểu được phải cố rặn, nước tiểu thường rất ít và dòng tiểu yếu, đôi khi còn có cảm giác đau buốt khi đi tiểu.
-
Tiểu ngắt quãng: Đang tiểu thì bị ngắt quãng, tia nước không bắn mạnh mà rỉ từng chút một.
-
Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân không kiểm soát được nước tiểu nên số lần đi tiểu thường nhiều hơn, tăng lên gấp đôi so với bình thường. Hiện tượng tiểu nhiều lần không chỉ gặp ở ban ngày mà còn gặp ở cả ban đêm, đặc biệt là khi trời gần sáng.
-
Tiểu són: Bệnh nhân thường xuyên gặp phải tình trạng nước tiểu bị són một ít ra quần, không thể kiểm soát được dù mới đi vệ sinh cách đó không lâu. Tình trạng này khiến người bệnh bị bứt rứt, khó chịu.
-
Triệu chứng khác: Người bệnh buồn tiểu mà không thể nhịn được, dù chỉ trong vài phút. Khi tiểu xong còn cảm thấy không thoải mái, vẫn có cảm giác muốn đi tiểu và có thể bị tiểu ra máu, nhiễm trùng nước tiểu.
IV. Phì đại tuyến tiền liệt có nguy hiểm không?
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
-
Rối loạn tiểu tiện: Người bệnh bị rối loạn tiểu tiện, bí tiểu, tiểu nhiều, tiểu ra máu,...
-
Nhiễm khuẩn niệu đạo: Nước tiểu không thoát ra được gây nhiễm khuẩn, dẫn đến các biểu hiện như: nước tiểu đục hoặc tiểu buốt.
-
Sỏi bàng quang: Tình trạng nhiễm khuẩn nặng, nước tiểu bị ứ đọng trong cơ thể tạo thành sỏi bàng quang, gây tắc nghẽn đường tiểu. Ngoài ra, sỏi chứa nhiều vi khuẩn nếu để lâu ngày có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
-
Suy thận: Nước tiểu không thoát ra được làm tăng áp lực nước tiểu, gây ứ nước, viêm thận, giãn bể thận, lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng viêm cầu thận hoặc suy thận mãn tính.
V. Biện pháp chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt
Để xác định tình trạng phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ bắt đầu thăm khám và hỏi về tiền sử bệnh. Sau đó, dùng ngón tay thăm khám qua đường hậu môn để ước tính kích thước và độ chắc của tuyến tiền liệt. Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định thực hiện một trong các phương pháp sau để hỗ trợ chẩn đoán bệnh:
-
Siêu âm: Đây là phương pháp thông dụng và dễ thực hiện nhất. Siêu âm sẽ cho thấy hình thể, kích thước và trọng lượng của tuyến tiền liệt. Đồng thời, đo được lượng nước tiểu tồn lưu trong bàng quang sau khi người bệnh đã đi tiểu.
-
Nội soi bàng quang: Một ống nội soi nhỏ sẽ được đưa vào niệu đạo của người bệnh để kiểm tra tình trạng niệu đạo và bàng quang.
-
Phân tích nước tiểu: Giúp tìm ra máu và vi khuẩn tồn tại trong nước tiểu.
-
Kiểm tra niệu động học: Phương pháp này đánh giá được sức co bóp của bàng quang và tốc độ của dòng nước tiểu.
-
Kháng nguyên đặc hiệu PSA (Prostate Specific Antigen): Xét nghiệm này giúp xác định được tình trạng ung thư tuyến tiền liệt.
VI. Cách điều trị phì đại tuyến tiền liệt
6.1 Điều trị tự nhiên
Với các bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần thay đổi lối sống; tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý để làm giảm các triệu chứng của bệnh.
-
Không nhịn tiểu, đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu.
-
Đi tiểu theo định kỳ, ngay cả khi không buồn tiểu.
-
Không uống rượu bia và các loại đồ uống chứa caffeine, đặc biệt là sau bữa ăn tối.
-
Điều chỉnh tâm trạng, giảm căng thẳng bởi căng thẳng có thể làm tăng số lần đi tiểu.
-
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để làm giảm mức độ trầm trọng của bệnh.
-
Học và thực hành các bài tập Kegel để tăng cường sức khỏe của cơ vùng chậu.
-
Giữ ẩm cho cơ thể vì lạnh có thể khiến các triệu chứng của bệnh trở nên nặng nề hơn.
6.2 Điều trị bằng thuốc
Trong trường hợp áp dụng các biện pháp tự nhiên mà không có hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc. Các loại thuốc được sử dụng nhằm giảm triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng gồm: thuốc giảm hormone, thuốc chặn alpha, thuốc kháng sinh trong trường hợp tuyến tiền liệt bị viêm mãn tính do vi khuẩn.
Tuy nhiên, sử dụng các loại thuốc này thường đi kèm với những tác dụng phụ không mong muốn. Điều này có thể khiến người bệnh có cảm giác mệt mỏi, hạ huyết áp, rối loạn cương dương,…Do đó, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Saw Palmetto 500mg là viên uống hỗ trợ điều trị phì đại tiền liệt tuyến hiệu quả, bạn có thể tham khảo để sử dụng. Sản phẩm được điều chế từ quả cọ lùn có chứa glycerid, axit béo tự do, phytosterol như β-sitosterol, β-caroten, dẫn xuất vitamin E, axit hữu cơ, polysaccharid, tannin, flavonoid và tinh dầu có tác dụng đặc biệt trong hỗ trợ điều trị rối loạn tiền liệt tuyến và rối loạn tiết niệu.
6.3 Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Trong trường hợp điều trị thuốc không hiệu quả, kích thước tuyến tiền liệt phình to trên 80g, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm phẫu thuật.
-
Phẫu thuật tuyến tiền liệt qua niệu đạo: Đây là phương pháp cắt bỏ khối u tuyến tiền liệt bằng máy cắt nội soi qua đường tiết niệu đạo với ưu điểm ít đau, thời gian hồi phục nhanh, hạn chế tối đa các biến chứng sau mổ. Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định với những trường hợp sau: hẹp niệu đạo do không đặt được máy nội soi, viêm tuyến tiền liệt cấp tính, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, cứng khớp háng,…
-
Phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt bằng tia laser: Phương pháp này được thực hiện qua việc chèn ống cảng qua ống nước tiểu vào bàng quang, dùng tia laser để cắt bỏ hoặc hủy bỏ mô tuyến tiền liệt thừa. Ưu điểm của phẫu thuật bằng tia laser là thường mất ít máu. Từ đó, làm giảm nguy cơ xuất huyết và cần truyền máu sau phẫu thuật.
-
Phẫu thuật nội soi phì đại tuyến tiền liệt bằng dao lưỡng cực: Đây cũng là phương pháp phẫu thuật tiêu biểu được sử dụng để làm giảm kích thước của tuyến tiền liệt ở nam giới. So với phẫu thuật truyền thống, phương pháp này có một số ưu điểm như: giảm nguy cơ mất máu, giảm nguy cơ về chức năng tình dục, thời gian hồi sức nhanh, an toàn và hiệu quả.
Trên đây là những thông tin giúp bạn giải đáp: Phì đại tuyến tiền liệt là gì, nguyên nhân và cách điều trị phì đại tuyến tiền liệt. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh. Từ đó, có biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.