Nội dung

1. Đầy hơi dạ dày là gì?

2. Những nguyên nhân gây chứng đầy hơi dạ dày

2.1. Chế độ ăn uống thiếu khoa học

2.2. Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh

2.3. Nhiễm vi khuẩn

2.4. Stress kéo dài

2.5. Tác dụng phụ của một số loại thuốc

3. Chứng đầy hơi dạ dày cảnh báo bệnh lý nguy hiểm gì?

3.1. Rối loạn tiêu hóa

3.2. Trào ngược dạ dày

3.3. Viêm loét dạ dày

3.4. Ung thư dạ dày

3.5. Các bệnh về đại tràng

4. Cách phòng ngừa và điều trị chứng đầy hơi dạ dày

4.1. Cách điều trị đầy hơi dạ dày

4.2. Chế độ sinh hoạt giúp phòng ngừa, hạn chế chướng bụng

 

1. ĐẦY HƠI DẠ DÀY LÀ GÌ?

Đầy hơi dạ dày được hiểu là hiện tượng khí tích tụ trong dạ dày và ruột, làm cho cơ thể cảm thấy bị đầy bụng và bụng có thể căng lên. Thông thường người ta sẽ gọi thành dạ dày đầy hơi khó tiêu hay đau dạ dày chướng bụng đầy hơi, bởi vì những yếu tố này luôn đi liền nhau.

Tình trạng đầy hơi dạ dày thường là hệ quả do nuốt không khí hoặc hơi đến từ sự phân hủy của thực phẩm trong quá trình tiêu hóa. Nó có thể xảy ra nhiều lần trong ngày và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.

Đầy hơi dạ dày làm bụng có thể căng lên

Đầy hơi dạ dày làm bụng có thể căng lên

Dạ dày nhiều hơi thường không xuất hiện một mình mà nó thường đi kèm nhiều biểu hiện phổ biến khác như: dạ dày chướng hơi buồn nôn, chóng mặt, khó tiêu, khó thở, đi ngoài…

2. NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY CHỨNG ĐẦY HƠI DẠ DÀY

Đầy hơi dạ dày là hệ quả do rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra. Các bác sĩ đã chỉ ra một vài nguyên nhân cơ bản gây ra triệu chứng này như sau:

2.1. Chế độ ăn uống thiếu khoa học

Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa có mối liên hệ chặt chẽ với chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống hằng ngày. Những người thường ăn thực phẩm tái, sống (nem chua, tiết canh, rau sống…), hải sản, đồ uống có cồn… dễ bị đầy hơi dạ dày hơn người bình thường. Trong các loại đồ ăn này còn chứa nhiều kí sinh trùng, vi khuẩn… dễ gây tiêu chảy, đầy bụng, nôn mửa, thậm chí là ngộ độc thực phẩm.

Thói quen ăn uống không đúng cách như nhai không kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện, xem phim cũng khiến bạn vô tình nuốt nhiều không khí gây ra tình trạng khó tiêu, đau bụng đầy hơi, chướng bụng. Ăn quá no, không đúng giờ hoặc thường xuyên bỏ bữa, ăn xong đi nằm ngay cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn ít người biết đến của chứng dạ dày nhiều hơi.

2.2. Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh

Dạ dày đầy hơi khó tiêu có thể là do thói quen ngồi nhiều một chỗ, lười vận động khiến cho hệ tiêu hóa bị trì trệ, ảnh hưởng đến việc chuyển hóa thức ăn gây ra.

2.3. Nhiễm vi khuẩn

Tiêu thụ thực phẩm kém chất lượng, kém an toàn là con đường ngắn nhất cho hại khuẩn xâm nhập, đặc biệt là vi khuẩn HP, lỵ amip. Chúng khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả. Khi đó, nhu động ruột bị rối loạn và co bóp liên tục, dẫn đến các triệu chứng như: tiêu chảy nhiều lần, đầy bụng khó tiêu, chán ăn. Một số người còn gặp hiện tượng buồn nôn, nôn mửa, cơ thể mệt mỏi, suy nhược…

Đầy hơi dạ dày do nhiễm vi khuẩn

2.4. Stress kéo dài

Yếu tố tâm lý cũng gián tiếp tác động đến những thay đổi bất thường của hệ tiêu hóa. Tâm lý căng thẳng, áp lực công việc, mất ngủ nhiều ngày sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương – nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa. Từ đó, nhu động ruột hoạt động kém hiệu quả, gây khó tiêu, ợ hơi…

2.5. Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Lạm dụng kháng sinh dài ngày để điều trị một số bệnh mãn tính có thể vô tình tiêu diệt một lượng lớn lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng: đi ngoài, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu… Ngoài ra, những trường hợp mang tâm lý chủ quan, uống thuốc không đúng liều lượng có thể gặp tình trạng kháng thuốc, khiến đại tràng yếu đi và suy giảm chức năng.

3. CHỨNG ĐẦY HƠI DẠ DÀY CẢNH BÁO BỆNH LÝ NGUY HIỂM GÌ?

Nhiều người thắc mắc đầy hơi dạ dày là bệnh gì hay đau dạ dày chướng bụng đầy hơi là bệnh gì. Thật ra nó không phải là bệnh mà nó là một triệu chứng liên quan đến rối loạn tiêu hóa.

Trong trường hợp đầy hơi, chướng bụng kéo dài với tần suất tăng dần thì rất có thể, bạn đã mắc một số bệnh lý dưới đây:

3.1. Rối loạn tiêu hóa

Một số yếu tố như loạn khuẩn đường ruột, độc tố có trong thực phẩm, nhiễm Helicobacter Pylori, tăng acid dịch vị… có thể là nguyên nhân gây chướng bụng đầy hơi dạ dày, làm giảm tiết men tiêu hóa, từ đó khiến thức ăn ứ đọng lại và gây chướng bụng, đầy hơi. Ngoài ra, một số người có hệ tiêu hóa kém, khả năng dung nạp tinh bột, lactose kém cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Đầy hơi dạ dày cảnh báo bệnh rối loạn tiêu hóa

3.2. Trào ngược dạ dày

Sự quá tải bên trong dạ dày hoặc tình trạng dư thừa dịch vị axit là nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày. Dịch dạ dày bị đẩy lên phía trên thực quản bao gồm acid dịch vị, thức ăn, hơi, men tiêu hóa… Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác chướng bụng đầy hơi kéo dài, buồn nôn, ợ chua, ợ hơi, đắng miệng và đau tức ngực.

3.3. Viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là tình trạng hoại tử niêm mạc dạ dày, bệnh hình thành bởi sự kết hợp giữa độc tố, vi khuẩn và axit dạ dày dư thừa. Khi dạ dày bị tổn thương, hoạt động tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng, thức ăn ứ đọng gây ra triệu chứng chướng bụng đầy hơi hoặc buồn nôn, thậm chí là sút cân do chất dinh dưỡng không được hấp thụ. Tùy vào kích thước của vết loét mà tần suất và mức độ đầy hơi chướng bụng ở mỗi người là khác nhau.

3.4. Ung thư dạ dày

Với khối u ác tính phát triển trong dạ dày, ung thư dạ dày được đánh giá là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Giai đoạn đầu, khi mà các tế bào ung thư mới nằm ở lớp niêm mạc dày, người bị chướng bụng đầy hơi hầu như không nhận được tín hiệu cảnh báo nào rõ ràng. Chỉ khi bệnh chuyển qua giai đoạn 3, tế bào ung thư di chuyển qua lớp niêm mạc thì người bệnh mới nhận thấy một vài triệu chứng như buồn nôn, đau bụng,…

3.5. Các bệnh về đại tràng

Một số người bị chướng bụng đầy hơi do mắc các bệnh lý về đại tràng như viêm đại tràng, đại tràng co thắt, polyp đại tràng… Cùng với đó, người bệnh đại tràng sẽ phải đối mặt với nhiều triệu chứng điển hình như tiêu chảy, đau bụng, chán ăn, đi ngoài phân lỏng, phân lẫn máu hoặc chất nhầy…

>> Xem thêm: Bỏ túi 12 mẹo chữa viêm đại tràng bằng phương pháp dân gian

Đầy hơi dạ dày cảnh báo bệnh về đại tràng

4. CÁCH PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ CHỨNG ĐẦY HƠI DẠ DÀY

4.1. Cách điều trị đầy hơi dạ dày

Điều trị đầy hơi dạ dày thường tập trung vào việc thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống của bạn. Những việc bạn có thể làm để khắc phục đầy hơi dạ dày là:

- Xác định thực phẩm gây chướng bụng: Bạn nên hệ thống lại những món mình đã ăn và cảm giác sau khi ăn chúng. Điều này sẽ giúp bạn xác định các loại thực phẩm làm bạn cảm thấy chướng bụng, đầy hơi.

- Cắt giảm chất béo: Chất béo có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, làm cho dạ dày của bạn cảm thấy no nhanh hơn.

- Tạm thời hạn chế các loại thực phẩm nhiều chất xơ: Chất xơ đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể con người. Nhưng đôi khi, chướng bụng có thể là do bạn quá nhạy cảm với loại chất này. Bạn có thể tạm thời ăn ít lại để xem liệu mình có thuộc diện nhạy cảm hay không. Đôi khi có thể mất ba tuần để cơ thể của bạn điều chỉnh lại lượng chất xơ.

- Ít uống sữa: Đừng uống một lúc một cốc sữa đầy. Thay vào đó, bạn hãy chia nhỏ chúng. Bạn cũng có thể dùng các sản phẩm có thể thúc đẩy tiêu hóa lactose trong sữa như các loại thực phẩm chứa lactase, một enzyme phân hủy lactose.

- Luyện tập và thư giãn: Luyện tập thể thao đều đặn, hợp lý và thư giãn, tránh stress cũng là chìa khóa giúp bạn điều trị chứng đầy hơi dạ dày hiệu quả.

Nếu như các biện pháp trên không khiến tình trạng đầy hơi dạ dày suy giảm, bạn nên đi khám bác sĩ để có kết luận chính xác và biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Ccahs phòng ngừa và điều trị chứng đầy hơi dạ dày

4.2. Chế độ sinh hoạt giúp phòng ngừa, hạn chế đầy hơi dạ dày

Một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh là chìa khóa ngăn ngừa các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng đầy hơi.

Dưới đây là một vài lời khuyên bạn có thể áp dụng để kiểm soát chướng bụng:

- Thay đổi thói quen ăn uống: Ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày.

- Ăn đủ chất dinh dưỡng, nhưng hãy tránh xa các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên, xào, cay nóng.

- Nên uống nước lọc và tránh các đồ uống chứa nhiều đường, đồ có gas, rượu, bia.

- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.

Trên đây là những thông tin tổng quan về chứng đầy hơi dạ dày. Hi vọng, bài viết trên có thể giúp ích cho bạn trong phòng tránh và khắc phục dạ dày đầy hơi khó tiêu, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.